Khi những kí ức yên bình được nhìn thấy qua những giấc mơ

Trong nhiều giấc mơ hỗn độn con lại mơ về những ngày xưa cũ, trong những giấc mơ ấy lại đưa con quay về ngôi nhà gắn với tuổi ấu thơ .

Chỉ là căn nhà nhỏ ở phố cổ, bé xíu, chật hẹp và ẩm mốc. Cái ngõ đi vào chỉ đúng 1 người đi vừa, cả bức tường quanh ngõ cũng đã phủ rêu, mốc và đầy những nét phấn mà ngày xưa con hay ra ngoài vẽ lên.

Cánh cửa ngôi nhà bằng gỗ được ông sơn sửa lại vì sáng nào con cũng hỏi xin ông viên phấn để vẽ lên, con thích đóng vai cô giáo và giảng bài cho học sinh. Hình như đứa trẻ nào ngày bé cũng thích làm cô giáo chăng, còn lớn lên khi hỏi có thích làm cô giáo không thì chắc chắn là nhảy dựng lên ngay.

Người ta vẫn hay bảo ở phố cổ thích nhưng sự thật là khác. Ngôi nhà ấy rất ẩm thấp và cũng là 1 trong những lý do cả một tuổi thơ ấu con ốm đau đủ các loại bệnh và ngày nào cũng phải đi tiêm. Bố mẹ hay đưa con đi tiêm ở phố Lương Văn Can, có lẽ đó là kí ức hãi hùng nhất mà con chả thể quên. Đến giờ khi con 20 tuổi, con vẫn nhớ con đường đến phòng khám ấy, nhớ chính xác ngôi nhà ấy ở đoạn nào và tên của bác sĩ đã quanh năm tiêm cho con. Và có khi những ngày vô định, nghĩ lại nước mắt con lại trào ra.

Hồi học mẫu giáo, con đi học ở ngôi trường ngay gần nhà, thế nhưng hầu như chả đi học mấy vì con rất sợ đến trường. Có lần mẹ đưa vào lớp, con đã giả vờ cô là đi vệ sinh rồi chạy về nhà mất. Câu nói cửa miệng mà trong suốt thời gian đi học mẫu giáo của con đó là: “Cô ơi, cô nhớ cho cháu về sớm nhé”. Chả hiểu sao nói dai như đỉa, ngày nào cũng nói, cứ 5’ nói 1 lần. Thật sự ngày bé con nhát mọi thứ, sợ giao tiếp với mọi người, chỉ luôn ngồi một góc, chỉ khép mình.

Hồi đó, con thường hay sang bên nhà hàng Mĩ Kinh đối diện bên đường cùng các chị chơi vòng quanh socola, cá sấu lên bờ, trốn tìm. Nhưng mà hồi bé con xấu tính lắm, con hay dỗi vì các chị toàn hùa vào để thắng con, rồi con lại chạy đi mách ông, bảo ông là các chị không chơi với con thế là ông quay sang mắng các chị. Ngoài Mĩ Kinh, con còn cùng các chị luồn lách vào các ngõ để khám phá xem nó thông ra đường nào và rồi dần dần, mỗi ngày như vậy con đã thuộc hết các ngõ trên phố. Ngày bé, bà vẫn khỏe và cứ dịp Tết đến bà lại đổ hàng ra ngoài vỉa hè bán, tất cả các loại bánh kẹo và mứt, thích mắt vô cùng và con nhận ra bên cạnh ước mơ làm cô giáo ngày ấy, con còn rất thích bán hàng.

Ngày trước ông có thói quen uống bia vào gần trưa trên phố Hàng Giầy, ông thường gọi con đi uống bia cùng ông. Nghe oai vậy thôi, thật ra là ông ngồi uống bia, còn con sẽ chạy khắp quán bia để chơi. Hồi ấy con hay tự hỏi sao mọi người trong quán cứ thích trêu mình. Giờ định hình ra được rằng ngày ấy mình là đứa trẻ con duy nhất trong quán bia. Và cũng chỉ có con là đứa cháu duy nhất đi “uống bia” cùng ông như vậy.

Có một lần ông không uống bia mà dẫn con đi mua truyện, con nhớ như in con đòi mua 3 quyển: 2 quyển truyện cười và 1 quyển truyện cổ tích. Cho đến nhiều năm sau ngày ông mất, con vẫn giữ 3 quyển truyện ấy, không rách 1 trang nào, chỉ là giấy đã vàng ố đi theo thời gian. Cũng ở trên con phố này, con luôn trở thành khách quen ở quán lục tàu xá, chí mà phù của nhà bác Phạm Bằng. Nói tên ra nhiều người còn lần đầu nghe tên loại bánh này, nhưng món này ăn quen rồi thành mê để đến bây giờ cái hương vị ấy chả thể tìm được chỗ nào bán ngon như thế.

5 năm sống ở Hàng Buồm, những kí ức vụn vặt còn nhớ chỉ là những lần như thế, những ngày leo tót lên nhà hàng xóm ngồi chơi, nằm ngủ như nhà mình, những lần chạy ra vỉa hè chơi là lại ngã vập miệng xuống đường, những lần ngồi chơi trước cửa 1 ngôi nhà mà 1 năm người ta mới mở cửa 1,2 lần… Cho đến khi học cấp 3 khi đi với bạn lên phố cổ, nếu bị lạc, con sẽ không hỏi đường về mà chỉ hỏi đường ra Hàng Buồm, chỉ là từ Hàng Buồm con sẽ về nhà được bằng mọi con đường.

Và hình như mọi thứ rồi cũng thay đổi ông ạ. Đến bây giờ dù đi chơi đâu ở Hà Nội, con vẫn muốn được dạo quanh các khu phố, hàng quán trong phố cổ, cái không khí ấy ngoài đường xá, ngoài các nhà cao tầng, khu thương mại kia chẳng thể nào có. Rồi một ngày con cùng bạn đi dạo loanh quanh trên phố cổ, vừa đi vừa nói chuyện mà không để ý mình đi tới phố nào, nhìn xung quanh rồi con vô tình bảo bạn: Phố gì đấy nhỉ, nhìn nhộn nhịp, đông đúc mà lạ mắt quá. Nào hàng cafe tiếng nhạc ồn ào, nào các quán ăn trải dài trên hè phố, mùi than, mùi nướng,…ánh đèn nhấp nháy khắp dọc hè. Con bâng khuâng nhìn biển rồi thốt nhẹ: Ơ là Hàng Buồm sao? Một cái gì đó chững lại rồi như hẫng đi, một Hàng Buồm thật khác, đâu còn cái yên bình, nhẹ tênh của nhiều năm trước. Con vội kéo bạn quay ngược lại để về nhà mình. Vẫn con ngõ ấy nhưng giờ nó kẹp giữa những ánh đèn, tiếng nhạc bắt mắt kia. Cảm giác quen thuộc mất dần khi con đi vào sâu bên trong. Cánh cửa ấy, căn gác ấy vẫn vậy nhưng bên trong đã đổi khác, đã đẹp hơn, mới hơn và màu sắc hơn. Con lặng lẽ đi ra, chỉ là con thấy sợ vì con đang nhìn vào nhà người khác, không còn là nhà mình.

Đêm qua bỗng dưng con mơ giấc mơ rất lạ, rằng con và ông cùng đi Thái Lan, trước khi chuẩn bị mua vé đi thì người ta bảo đi Thái sẽ rất mệt đấy, phải đi liên tục. Con nhớ lại lần đi tour Thái mệt thât, cứ đi liên tục và rất ít lúc nghỉ. Con cũng nghĩ là ông không thể đi thế được và rồi ông quay sang nói: Thôi đi thế mệt lắm, ông không đi được đâu, đi về thôi!. Và chúng ta đi ra, con còn bảo ông câu cuối: Vậy mình đi tìm tour nội địa đi ông 🙂

Từ một giấc mơ…không tên

Từ một cảm giác…thèm đi chơi…thèm vác balo lên để đi…

Từ một nỗi nhớ: nhớ phố cổ…

11219111_832316593504578_820589357994370083_n

Bình luận về bài viết này